Hotline: 02277300377
SMS: 02277300377Nhắn tin FacebookZalo: 0945635286

    Không có sản phẩm nào.

Giày thể thao làm từ rác thải nhựa – Giải pháp bền vững hay trào lưu nhất thời?

Giày thể thao làm từ rác thải nhựa – Giải pháp bền vững hay trào lưu nhất thời?

Những “đôi giày rác thải” đã tái sử dụng được hàng tấn nhựa đang làm ô nhiễm môi trường. Nhưng đây có thật sự là giải pháp cứu lấy trái đất hay chỉ là một “chiêu trò marketing” của các hãng thời trang?

Rác thải nhựa đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, không chỉ làm hại sinh vật sống và các quần đảo san hô, ô nhiễm còn quay ngược lại "trả thù" sức khỏe con người.

Chính vì thế, các thương hiệu thời trang như Adidas, Rothy’s hay Veja đang ra nỗ lực cho ra đời các dòng sản phẩm giày thể thao làm từ rác thải nhựa, không những giảm thiểu lượng chất thải đang làm hại môi trường, mà còn cho rác thải một "cuộc sống" mới.

Giày thể thao làm từ rác thải nhựa – Giải pháp bền vững hay trào lưu nhất thời? - Ảnh 1.

Nhưng liệu mô hình này có "hoàn hảo" như quảng cáo?

Từ rác thải nhựa đến giày thể thao

Theo National Geographic, hiện có đến 6 tỷ tấn rác thải nhựa trên toàn thế giới, nên các hãng thời trang hoàn toàn không phải lo về nguồn nguyên liệu đầu vào.

Chẳng hạn như Veja, nhãn hiệu giày thể thao của Pháp chủ yếu sử dụng nhựa thải từ đường phố Rio de Janeiro và Sao Paulo để tạo nên dòng sản phẩm BMesh. Còn Rothy’s, một hãng giày Mỹ đang phối hợp với nhiều tập đoàn trong nước để thu gom "nguyên vật liệu".

Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là cái bắt tay giữa Parley và Adidas vào năm 2015, "bộ đôi quyền lực" này quyết định chỉ sử dụng rác thải được thu thập từ các bãi biển, quần đảo san hô … để làm nguyên liệu.

Sau khi được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, tất cả rác thải nhựa trên phải trải qua một quy trình khá công phu để biến thành những sợi nhựa đúng tiêu chuẩn.

Theo Erin Lowenberg – Giám đốc sáng tạo của Rothy’s: "Nhựa sẽ được đun nóng thành những miếng nhỏ, sau đó được cắt một lần nữa để phù hợp với dây chuyền ép, từ đây, rác thải sẽ được biến thành những sợi nylon mỏng nhẹ, rất mềm mại nhưng cũng rất chắc chắn."

Một đôi giày sẽ "cứu" được bao nhiêu?

Theo Adidas, mỗi đôi giày Parley Ocean Plastic sẽ giảm thiểu được 11 chai nhựa đang gây ô nhiễm môi trường.

Với thông điệp cao cả trên, Adidas đã bán được hơn 1 triệu đôi "giày nhựa thải" vào năm 2017, đồng nghĩa với việc "giải cứu" hơn 11 triệu chai nhựa đang nằm ở các bãi biển và rạn san hô trên khắp thế giới.

Hãng giày Rothy’s còn gây ngạc nhiên hơn khi công bố đã "tiêu thụ" hơn 20 triệu chai nhựa trong quá trình sản xuất chỉ trong vòng 2 năm đi vào hoạt động.

Tuy chỉ sử dụng 3 chai nhựa trên một đôi giày, nhưng hãng Veja không chỉ đưa ra một vài bộ sưu tập như Adidas và Rothy’s, thương hiệu này đang nỗ lực áp dụng BMesh – loại vải làm từ rác thải nhựa, cho tất cả sản phẩm đang có mặt trên thị trường.

Hiện Bmesh đang có mặt trong khoảng 1/3 đôi giày được bán ra của Veja, với ưu điểm chống nước, co giãn tốt và thoát ẩm cao.

"Giày rác thải" - một giải pháp bền vững?

Dù đã có không ít thành công về mặt tái chế, nhưng suy cho cùng, nhựa vẫn là nhựa. Theo một chuyên gia trong ngành: "Sử dụng nhựa tái chế sẽ giúp chúng ta ít lệ thuộc hơn vào hóa dầu, nhưng nhựa vẫn không thể nào phân hủy như cotton hay da thuộc."

Dù có được "tái sinh" dưới hình dạng những đôi giày thể thao, sản phẩm kia không sớm thì muộn vẫn sẽ trở về bãi rác. Đó là chưa kể đến các hạt vi nhựa có đường kính dưới 5mm không thể nào thu thập và tái chế.

Theo Céline Semaan – Đồng sáng lập Slow Factory: "Hành động loại bỏ rác thải nhựa ở ngoài môi trường rất đáng được khen ngợi. Tuy nhiên, nhựa là một nguyên liệu có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người và môi trường, vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết nếu chúng ta không có một vòng lặp tái chế liên tục, vì nhựa không được tái chế sẽ sớm quay lại môi trường."

Giải pháp duy nhất được nhiều chuyên gia đồng tình nằm ở tinh thần trách nhiệm của các tập đoàn, họ phải là bên đứng ra chịu trách nhiệm về số lượng nhựa đã được đưa ra thị trường, chủ động yêu cầu người dùng hoàn trả lại sản phẩm sau khi sử dụng để tiếp tục tái chế hoặc hủy bỏ một cách phù hợp.

Các hãng sản xuất "giày rác thải" cũng đã ý thức được lời kêu gọi trên, tập đoàn Rothy’s là thương hiệu tiên phong khi phối hợp với startup PLUSfoam, không chỉ thu mua nguồn nguyên liệu tái chế từ đây, người dùng Rothy’s còn có thể nhanh chóng điền thông tin sản phẩm mà mình muốn tái chế trên nền tảng PLUSfoam và đợi người đến thu hồi sản phẩm tại nhà.

Ngoài ra, tập đoàn nổi tiếng Adidas cũng tung ra chương trình "Take Back", rất nhiều thùng tái chế được bố trí từ năm 2016 tại nhiều địa điểm nhằm khuyến khích người dùng vứt bỏ sản phẩm một cách phù hợp.

Adidas còn đi xa hơn khi cam kết chỉ sử dụng nhựa tái chế từ năm 2024, với nhiều dòng sản phẩm hiện tại đã có khả năng tái chế 100%.

Nhưng dù có cố gắng đến cách mấy, các giải pháp từ những thương hiệu lớn luôn gặp phải không ít chỉ trích từ dư luận. Rác thải nhựa giờ đây đã trở thành một vấn đề quá lớn để giải quyết tận gốc bằng một vài mô hình tái chế hay một ít tập đoàn lớn.

Dù sao đi nữa, đây vẫn là một tín hiệu rất đáng mừng, và hơn ai hết, chính người dùng mới là đối tượng nắm trong tay tương lai môi trường mà họ sinh sống.

Bài viết liên quan